Các thành phần cơ bản trong GMPLS Chuyển_mạch_nhãn_đa_giao_thức_tổng_quát

Mặt phẳng dữ liệu và mặt phẳng điều khiển

Mặt phẳng điều khiển: là một tập hợp phần mềm hoặc phần cứng trong một thiết bị, như router, được dùng để điều khiển nhiều hoạt động thiết yếu trong mạng như phân phối nhãn, tìm tuyến mới, khắc phục lỗi… Nhiệm vụ chính của mặt phẳng điều khiển là cung cấp dịch vụ cho mặt phẳng dữ liệu.

Mặt phẳng dữ liệu: có nhiệm vụ chuyển tiếp lưu lượng của người sử dụng qua router. Trong môi trường chuyển mạch gói, các bản tin điều khiển và các bản tin chứa dữ liệu có thể truyền chung trên cùng một liên kết. Tuy nhiên, xét về mặt truyền tải, tại các node, các thiết bị chuyển mạch sẽ chuyển tiếp toàn bộ hoặc một khe thời gian, hoặc một (nhiều) bước sóng, hoặc một sợi quang để có thể vận chuyển được lượng thông tin nhiều nhất. Các gói tin điều khiển đều bị bỏ qua và không xét tới. Do đó, mặt phẳng dữ liệu và mặt phẳng điều khiển hoạt động tách rời với nhau. Các bản tin điều khiển này có thể được vận chuyển nhờ một kênh dữ liệu của mặt phẳng dữ liệu hoặc có thể được vận chuyển thông qua một mạng độc lập khác.

Nhãn (Label)

Cũng như trong MPLS, nhãn là một khung nhận dạng ngắn, có chiều dài cố định và không có cấu trúc. Mục đích chính của nhãn là xác định LSP mà gói tin được chuyển tiếp. Nhãn trong GMPLS không như nhãn trong MPLS. Trong MPLS, nhãn được gán trực tiếp vào gói tin khi chuyển trong mạng. Sau đó, các LSR sẽ xử lý các nhãn này khi gói tin tới LSR. Với GMPLS, nhãn không thể làm điều này vì dữ liệu trong mạng gồm nhiều loại được quy định khác nhau như bước sóng, khe thời gian hoặc đơn giản là các cổng của các sợi quang. Do đó, nhãn trong GMPLS được hiểu ngầm giữa hai LSR gần nhau và tất nhiên các LSR này phải hiểu và xử lý các nhãn này.

Bộ định tuyến chuyển mạch nhãn (Label Switching Router)

Là các node mạng có chức năng xử lý nhãn, gỡ nhãn cũ và gắn nhãn mới cho gói. Các giao diện của LSR được chia thành các loại giao diện riêng để có thể thực hiện chuyển mạch các gói tin, bước sóng hay các khe thời gian…

  • Packet Switch Capable (PSC) interfaces: giao diện có khả năng chuyển mạch gói.
  • Layer 2 switch Capable (L2SC) interfaces: giao diện có khả năng chuyển mạch lớp 2.
  • Time-Division Multiplex Capable (TDM) interfaces: giao diện có khả năng ghép kênh thời gian.
  • Lambda Switch Capable (LSC) interfaces: giao diện có khả năng chuyển mạch bước sóng.
  • Fiber-switch Capable (FSC) interfaces: giao diện có khả năng chuyển mạch sợi quang.

Tuyến chuyển mạch nhãn (Label Switching Path)

Là con đường mà thông tin truyền qua mạng. LSP được bắt đầu bởi một LSR ngõ vào (ingress node) và kết thúc ở một LSR ngõ ra (egress node). LSP trong GMPLS sử dụng kiến trúc phân cấp tương tự như trong MPLS. Với MPLS, các gói tin dựa vào các stack label để phân cấp trên LSP của mình. Với GMPLS, việc gán các nhãn này là không thể. Tuy nhiên, GMPLS vẫn có kiến trúc phân cấp.

Với mô hình phân cấp như trên, một LSP có thể đi qua nhiều giao diện chuyển mạch khác nhau của các giao tiếp tại LSR. Ví dụ một LSP được thiết lập với yêu cầu chuyển các gói tin có thể đi qua một giao diện khác được thiết lập TDM. LSP của giao diện TDM này có thể được đi nhờ qua một giao diện LSC. Tới lượt LSP lại được ghép với một giao diện của một liên kết chuyển mạch quang FSC.